Các ngành công nghiệp Việt Nam đang nỗ lực chuyển mình dưới tác động của công nghệ mới.
DOANH NGHIỆP CHUYỂN MÌNH VỚI CÁC CÔNG NGHỆ MỚI
Nhà báo: Thu Hoàng – Vietnam Economy Times
Hà Nội, ngày 28/10/2019
Các doanh nghiệp (DN) sản xuất của Việt Nam đã và đang tích cực hơn trong việc ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất để giúp cải thiện năng suất và gia tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
SOLIDWORKS – ViHoth và những nỗ lực góp phần đổi mới ngành công nghiệp Việt Nam
Tại SOLIDWORKS Innovation Day 2020 (Ngày hội đổi mới SOLIDWORKS) diễn ra cuối tuần qua, ông Lưu Minh Thủy – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thương mại và phát triển kỹ thuật cao ViHoth, DN chuyên cung cấp các giải pháp tổng thể trong đó có in 3D cho biết, trong hai năm trở lại đây đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ ở các DN Việt, đặc biệt trong ngành công nghiệp hỗ trợ trong ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh. “Các công nghệ mới sẽ giúp cải thiện năng suất cũng như đảm bảo được độ chính xác của các sản phẩm được sản xuất” ông Thủy nói, ví dụ như, trước đây, để gia công sản xuất một chi tiết, DN mất tới 3 tiếng. Với sự hỗ trợ của các công nghệ và giải pháp mới, thời gian rút lại chỉ còn hơn 1 tiếng.
Theo quan sát của ông Thủy, không chỉ chuyển biến trong nhận thức của các lãnh đạo DN, sức ép đổi mới cũng đến từ quá trình hội nhập. Cụ thể, DN muốn làm sản phẩm để xuất đi nước ngoài cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của những thị trường đó. Ví dụ như là nhà cung cấp của các DN Việt bắt buộc phải sử dụng các phần mềm có bản quyền đặc biệt như thời buổi cạnh tranh như hiện nay, chỉ cần DN bị phát hiện hay tố cáo sử dụng phần mềm không bản quyền, uy tín của họ sẽ bị “đổ sông, đổ bể” và các DN lớn như Samsung sẵn sàng đổi các đơn vị cung cấp khác. “Nhu cầu được hỗ trợ bởi các nhà cung cấp chính hãng trong khối các DN hỗ trợ Việt cũng ngày càng lớn hơn”. ông Thủy chia sẻ. Đối tác của ViHoth hiện 60% là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, một vài DN Việt Nam cũng đang tăng lên trong danh mục khách hàng của công ty này, chiếm khoảng 40% tổng số.
Gia tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập
Chuyện ứng dụng robot trong sản xuất cũng là điều không còn quá xa lạ với các DN Việt. Công ty CP Công nghiệp Ô tô Vinacomin (VMIC) – một công ty con của tập đoàn Vinacomin thuộc sở hữu nhà nước đã bắt đầu ứng dụng công nghệ Robot vào quy trình sản xuất từ những năm 2017. “Kể từ khi sử dụng robot, năng suất của chúng tôi đã tăng gấp hai đến ba lần và chất lượng sản phẩm rất ổn định. Điều này đã giúp gia tăng đơn đặt hàng cho công ty lên tới 50 đến 60%, và theo đó tăng thu nhập cho người lao động. Tỷ suất hoàn vốn (ROI) tại Việt Nam cho đầu tư robot thường rơi vào sáu đến tám năm, nhưng chúng tôi dự kiến sẽ hoàn vốn trong vòng một hoặc hai năm”, ông Phạm Xuân Phi, Giám đốc VMIC cho biết.
Từng có kinh nghiệm sinh sống và làm việc nhiều quốc gia khác nhau như Mỹ, Pháp, Singapore, ông Phan Bá Thông – Tư vấn kỹ thuật cao cấp của hãng Dassault Systemes- nhà cung cấp các giải pháp về in 3D hàng đầu thế giới cho biết, các DN Việt cũng đang chuyển dịch nhiều hơn lên nền tảng đám mây. Xu thế này cũng khá tương đồng với các doanh nghiệp trên thế giới. Cụ thể, khoảng 73% các DN cho biết đã ứng dụng các công nghệ đám mây trên nền tảng đám mây và 17% các DN khác có ý định làm như vậy trong 12 năm tới, theo báo cáo về điện toán đám mây của IDG năm 2018.
Chia sẻ với TBKTVN, chuyên gia này cho biết, các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ đám mây đã và đang tạo điều kiện cho các DN có quy mô nhỏ cải thiện các hoạt động đầu tư và sản xuất. Trước đây, để đầu tư vào máy chủ, DN ngoài việc phải chi ra một khoản tiền lớn cho thiết bị, nhân lực công tác bảo trì còn phải lo đến các vấn đề như máy chủ phải có khả năng chống nước, không bị hư hại khi có thiên tai và đặc biệt là luôn luôn được cấp điện. “Nhờ có công nghệ đám mây, các DN có thể dễ dàng trang bị cho mình các máy chủ với chi phí hợp lý và hết sức linh hoạt, ông Thông nói thêm.
Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ kỹ thuật số cao nhất trong khu vực. Tổng giá trị các giao dịch trong nền kinh tế Internet tại Việt Nam được dự báo tương đương 5% GDP 2019. Con số này trong khu vực Đông Nam Á là 3.7%. Các chuyên gia đánh giá, Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt trong việc tạo các điều kiện thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Internet và đổi mới sáng tạo. Xu hướng ứng dụng và dịch chuyển sang các công nghệ mới của các DN Việt chắc chắn sẽ tiếp tục sôi động hơn trong thời gian tới.